Góc Bể Bên Trời (Tựa)

Đi đến chân trời góc bể nào cũng đi. Phải đi để tìm một cuộc đổi đời. Đó là cái ước mơ bi đát lớn lao của hơn năm mươi triệu người dân Việt Nam đang sống khắc khoải dưới một định chế xã hội khắc nghiệt, phi nhân có tên Xã Hội Cộng Sản. Người ta chấp nhận phiêu lưu, hiểm nguy chỉ để mong sao tìm được một sự thay đổi, bằng mọi giá. Kể cả nhiều thứ “giá” trời biển mà chính những kẻ tìm đường vượt thoát đều không thể mường tượng được là nó mắc cỡ nào?

Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều hớ trong việc mang đời mình để mặc cả với cái giá tự do. Một nửa – hay hơn nữa – đã vùi thây dưới lòng biển cả, hoặc khô xác trên những chiếc thuyền con lênh đênh, hay ở những góc rừng biên giới. Số còn lại được đưa đến những nơi mà “hình như” không phải là nơi họ mong đợi. Họ may mắn thoát khỏi địa ngục Cộng Sản, thoát khỏi những hiểm nguy ngặt nghèo trên cuộc hành trình đầy bất trắc và cuối cùng thì họ bắt gặp chính mình đang đứng… ngoài cửa thiên đường!

Người Việt Nam đã và đang thực hiện một chuyến “exodus” hãi hùng và bi đát nhất trong lịch sử của nhân loại. Dẫu vậy, cái thảm kịch này vẫn chưa được nhân loại quan tâm và đánh giá đúng mức. Nó vẫn còn đang được nhìn với sự thờ ơ, lạnh nhạt; với sự dè bỉu đố kỵ và tệ hơn hết là với sự… hiểu lầm, ngộ nhận.

Tại sao? Có nhiều cái “tại” đau đớn lắm! Một trong những cái “tại” đó, có thể nói được ở đây là bởi chính những kẻ trong cuộc, những nạn nhân đều không nói lên được cái thảm kịch của dân tộc mình, một vết nhơ trong lương tâm của loài người.

Võ Hoàng, một trong những kẻ hiếm hoi may mắn sống sót, vừa làm xong điều đó. Ông làm được. Ông thực hiện công việc này với sự nghiêm chỉnh, chí tình và bằng tất cả những rung động xót xa qua cuốn truyện dài mà quý vị đang cầm trên tay.

Võ Hoàng viết gì trong tác phẩm “Góc Bể Bên Trời”? Xin thưa, không có gì lạ. Chỉ là một cuộc vượt biển “phụ,” một đoạn đường đi “thêm” từ vịnh Thái Lan đến… Úc Châu, trên một chiếc thuyền nhỏ, mong manh, thiếu thốn tất cả những phương tiện, những điều kiện cần thiết tối thiểu cho một hải trình dài dặc và có trăm ngàn thứ gian nguy…

Có khác chăng là Võ Hoàng đã ghi nhận lại chuyến đi của mình (chúng ta thì… không?) và ghi nhận bằng nhận xét của một thủy thủ nhà nghề, bằng một ngòi viết bình tĩnh, vững chãi và trên hết là bằng tâm hồn của một nghệ sĩ, một con người với những cảm nhận đau đớn, đau đớn đến thảng thốt về thân phận lưu đày của mình.

Có những hạn từ, những ý niệm hay đúng hơn là những tâm cảm mà người ta bắt gặp hoài trong suốt tác phẩm của Võ Hoàng. Một thứ tình hoài hương thiết tha, thấm thía khi con người rứt ruột ra đi nghĩ về “xứ mình”; cảm giác cô đơn lạc lõng khi lênh đênh trôi giạt giữa trời biển “xứ người,” và chua xót đau đớn hơn cả là cái tâm cảm “tủi thân”!

Đi với dằn vặt, với cắn rứt, với gian nguy mà nơi đến thì không có gì là hứa hẹn! Thoát khỏi địa ngục để chỉ đến được một “tầng địa ngục chuyển tiếp.” Nơi đó cuộc sống tù túng, khắt khe cùng với sự bạc đãi đều vẫn vượt quá sức chịu đựng và chờ đợi của con người. Lại đi. Đi nữa, với hy vọng đến được một góc bể chân trời tươi sáng hơn.

Trong cái thế giới mà theo Võ Hoàng thì “có quá nhiều người vô tình” này thì dù ở chân trời góc bể nào người tỵ nạn vẫn đều có chung chừng đó những thảm kịch. Lòng người vốn khắt khe, cuộc đời vốn nghiệt ngã nên bờ bến nào cũng khép kín. Ở “nơi cuối cùng có thể đến được” thì điều chờ đợi Võ Hoàng và những người đồng hành vẫn chỉ là… cánh cửa của một nhà giam.

Đó có phải là cánh cửa mở ra cho cuộc đời mới ở nơi góc bể chân trời? Đó có phải là một thứ nhà giam mới – ít chật chội, tù túng hơn – mà tất cả những kẻ tha phương lưu lạc như chúng ta có bổn phận phải đồng tâm hiệp sức để tìm cách vượt thoát. Thoát khỏi nơi đó để giải phóng chính mình hết kiếp lưu đày và giải phóng bao nhiêu triệu đồng bào khác nữa đang rẫy rụa, khắc khoải nơi cái phần quê hương tù ngục?

Câu chuyện của Võ Hoàng không đề cập đến điều đó. Không cần thiết phải làm như vậy. Kiếp sống tha hương mà chúng ta đang kéo lết từng ngày, với những thao thức, ray rứt hàng đêm đã minh thị điều đó?

Không ai – kể cả Võ Hoàng – mong rằng “Góc Bể Bên Trời” là tác phẩm duy nhất hoặc hay nhất viết về chuyến đi bi thảm của những người Việt Nam tỵ nạn. Ai ai – kể cả Võ Hoàng – cũng đều mong rằng có nhiều tác phẩm khác nữa, hay hơn, về cuộc đời tỵ nạn sẽ được viết ra. “Góc Bể Bên Trời” – có thể – chưa phải là một tác phẩm lớn nhưng cho đến nay – nói một cách công tâm – chưa ai trong chúng ta đã viết được một tác phẩm lớn hơn như vậy về vấn đề này. Vấn đề thiết thân mà chúng ta vẫn cố ý quên!

Mùa Hạ 1983
Cơ Sở Xuất Bản NHÂN VĂN


Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.

Leave a comment